Mỗi khi mùa lúa vàng trĩu bông đi qua lại giành tặng cho người nông dân quê tôi bao hạt ngọc trời quý giá. Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy khi công việc đồng áng đã xong xuôi người dân quê tôi lại nhộn nhịp tổ chức cuộc thi làm "bánh lá rằng bừa" để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tinh tuý từ hạt gạo mà còn chứa đựng bên trong nó ý nghĩa của những câu chuyện chống giặc ngoại xâm của nữ anh hùng họ Triệu.
Người xưa kể lại rằng vùng núi Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về Bà Triệu - người đã sáng chế ra loại bánh răng bừa làm lương thực cho quân sỹ thêm ý chí và sức lực chống lại giặc Ngô hung hãn lăm le xâm lược nước ta. Ở một thời điểm lịch sử khác lại tương truyền rằng khi xưa vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ hộin " Tịch Điền " đầu năm, nhân dân đã dành thứ gạo ngon ở chính mảnh đất mà vua đã đặt những đường cày đầu tiên để làm nên món bánh ngon dâng vua.
Thế mới biết có tận tay làm ra hạt gạo mới thấy thêm yêu cái vị ngọt bùi mà bao người bà, người mẹ đã phải đổ mồ hôi công sức "bán mặt cho đất ,bán lưng cho trời "trong những ngày sương thu nắng hạ mới có được hạt gạo dẻo thơm nuôi dưỡng ta lớn khôn và còn tạo ra những món quà quê mát lành cho đời.
Nghe tới cái tên bánh ít nhiều khiến người thưởng thức liên tưởng tới chiếc răng bừa cần mẫn dẻo dai trên những thửa ruộng màu mỡ. Hình dạng chiếc bánh cũng mang dáng hình mảnh mai, nhọc nhằn giống hệt như chiếc răng bừa vậy.
Làm bánh răng bừa không phức tạp nhưng cũng chẳng đơn giản. Nó đòi hỏi ở người làm một sự kiên trì, khéo léo và cả những kinh nghiệm.Với những đứa con xa quê lâu ngày như tôi, Dù ở phố thị được nếm thử không ít món bánh ngon nhưng sao vẫn nhớ da diết khôn nguôi vị bánh lá răng bừa quê hương? Mỗi lần được về quê tôi lại cùng mẹ làm những mẻ bánh ngon dâng lên thắp hương ông bà tổ tiên và để thoả lòng nhớ mong bao ngày xa quê.
- Để làm được bánh răng bừa ngon cần lựa loại gạo ít dẻo, như ở quê tôi thường chỉ dùng gạo 13/2 là chuẩn nhất. Ngâm vài lon gạo tẻ vào nước ấm để chừng 3-4 tiếng đồng hồ, sau đó đem đi xay hoặc nghiền thành bột nước. Một khâu vô cùng quan trọng đó là " giáo bột " bánh có ngon, mềm dẻo hay không là phụ thuộc ở công đoạn này. Nồi bột nước sau khi xay được cho thêm chút muối rồi đặt lên bếp canh lửa nhỏ vừa, dùng đũa cả khuấy liên tục để nước bột không bị vón cục, ngày xưa khi học tới công đoạn này tôi toàn bị mẹ la vì quấy không nhanh, không đều tay để bột bị vón cục. Cứ phải giáo bột đều tay như vậy cho tới khi bột sền sệt lại là được, ước chừng thời gian mất 10 phút cho một mẻ bột ngon.
- Phần nhân bánh được làm từ thịt lợn, hành khô và mộc nhĩ. Khi chọn thịt ta nhớ chọn phần thịt ba chỉ hoặc thịt vai có chút mỡ cho béo, sau đó băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Phần mộc nhĩ ngâm nở rồi thái nhỏ, phần hành tím khô đập dập băm nhỏ. Trộn thịt băm và 1/2 số hành băm cùng chút gia vị và hạt tiêu tẩm ướp khoảng 10 phút.
- Sau khi đã chuẩn bị hết nguyên liệu ta tiến hành bật bếp cho dầu vào phi thơm 1 nửa số hành rồi trút thịt vào đảo nhanh tay rồi cho mộc nhỉ vào nêm chút nước mắm, tiêu, bột ngọt cho vừa miệng rồi bắc xuống.
- Phần lá để gói bánh ta chọn những chiếc lá bánh tẻ tươi xanh, sau đó đem phơi nắng hoặc hơ qua trên bếp lửa để làm héo lá, khi gói sẽ mềm dai và dễ gói. Sau đó lau sạch 2 mặt lá.
- Một chiếc bánh đã ngon về nội dung rồi nhưng làm thế nào để vẻ bề ngoài cũng cuốn hút thực khách, điều này phụ thuộc vào sự khéo léo của người gói. Ta trải tấm lá lên mặt mâm rồi cho khoảng 1 thìa canh bột và 2 thìa cà phê nhân bánh, bạn chỉ cần đưa phần nhân vào giữa chiếc bánh và dìm nhẹ theo 1 đường từ đầu bánh tới cuối bánh, rồi nhẹ nhàng đưa tấm lá chuối bọc lấy áo bột sao cho chiếc bánh gọn gẽ thon dài như chiếc răng bừa.
Nồi bánh lá răng bừa trong hội làng. |
- Bánh sau khi được gói có thể làm chín bằng cách xếp vào chõ để đồ hoặc xếp vào nồi lớn và cho nước đã đun sôi vào luộc chín. Khi luộc bánh nên lót 1 lớp cuống lá chuối dưới đáy nồi và để lửa vừa phải để có mẻ bánh ngon. Ta canh lửa đều tay để khoảng 15 - 20 phút là bánh chín.
- Làm bánh lá đã kỳ công nhưng thưởng thức bánh lá lại vô cùng không đơn giản. Bánh sau khi được vớt ra khỏi nồi và vẩy ráo nước được xếp lên đĩa dọn kèm bát nước chấm tiêu ớt.
- Nâng chiếc bánh trên tay, từ từ cởi bỏ lớp lá xanh mỏng manh bên ngoài, tựa hồ như người trinh nữ cởi bỏ tấm áo xiêm y của mình để lộ ra một cơ thể ngọc ngà thanh tao. Cầm chiếc bánh mảnh mai thon thả ấy trên tay tha hồ lắc lư vặn vẹo mà lạ thay bánh vẫn nguyên hình dạng ban đầu.
Bấy giờ mới chấm chút bánh vào bát nước mắm ớt và cảm nhận vị thơm ngon của bánh đang tan dần trong miệng. Trong khoảnh khắc yên lặng "tâm ta " còn có thể nghe được tiếng xuýt xoa nồng nàn của lưỡi khi cái vị thơm ngon cứ lan dần lan dần tới mọi giác quan như thúc dục người thưởng bánh bóc thêm chiếc bánh tiếp theo. Có ăn bánh lá răng bừa ngay khi còn nóng mới cảm nhận hết cái sức hấp dẫn thôi miên cuốn hút khiến người ta cứ thế bóc hết chiếc bánh này tới chiếc bánh kia mà không chán. Chính vì vậy mà có đi xa quê bao lâu, nếm bao loại " sơn hoà hải vị " cũng không quên được món ăn quen thuộc dung dị nơi quê nhà. Một mùa Tết Đoan Ngọ, Một mùa Tết Vu Lan sắp về, Lòng con vẫn canh cánh một nổi " Tết nay ai gói bánh thay con?"
Ps : Ở quê tôi, những bà mẹ chồng thường dùng món ăn này để kén cho con mình cô con dâu tương lai đảm đang duyên dáng. Thế mới biết chiếc bánh lá răng bừa không chỉ đơn thuần là một loại bánh, hơn thế nó còn là một thức quà truyền thống nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người dân xứ Thanh quê tôi.
Chúc các bạn có một món ăn ý nghĩa. ≧◔◡◔≦
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
0 facebook-blogger:
Post a Comment