Thursday, October 23, 2014

Khám phá Sapa - Lào Cai

10:33 AM

Tháng 9 đến tháng 11 là quãng thời gian phong cảnh Sapa (tỉnh Lào Cai) vào độ đẹp nhất. Tiết trời dễ chịu, thiên nhiên và con người hòa như vào nhau, đẹp tựa bức tranh thủy mặc…

Có thể nói, đó là những nét riêng ở Sapa đã níu chân du khách bấy lâu nay. Để không bỏ lỡ cơ hội khám phá thị trấn miền núi xinh đẹp này, Thích Hô Hấp giúp bạn lên danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất:

>>>>> Kinh nghiệm du lịch SaPa

1. Chinh phục đỉnh Phan Si Păng – Nóc nhà Đông Dương

Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Tuy chỉ cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam, nhưng nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Hiện nay, rất nhiều nhà leo núi cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tìm đường chinh phục đỉnh Phan Si Păng. Họ có thể đi theo tour của các công ty du lịch hoặc tự tổ chức với sự dẫn đường của dân địa phương, người dân tộc Mông, Dao (ở bản Cát Cát).

Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…


2. Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sapa, cách 3 km, du khách có thể đi bộ đến đó. Trên núi Hàm Rồng có rất nhiều loài hoa khoe sắc, đặc biệt là hoa Lan. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.

3. Nhà thờ cổ Sapa
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

4. Bản Cát Cát
Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải… Bản Cát Cát ở gần thị trấn Sapa nên thu hút rất đông du khách ghé thăm. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát





5. Bản Tả Phìn
Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…

Ngoài ra, còn rất nhiều bản làng của đồng bào dân tộc để bạn ghé thăm khi du lịch Sapa như: bản Tả Van – của đồng bào người Mông, Giáy, Tày, Dao đỏ…; bản Ý Linh Hồ, bản Lao Chải – người H’mông đen (cách khoảng 7km về phía Tây Nam của thị trấn Sapa, cạnh suối Mường Hoa); bản Hồ của đồng bào Tày; bản Lao Chải của đồng bào H’mông đen (cách 8-9 Km về phía Đông Nam thị trấn Sapa, trên bờ phía Tây của sông Mường Hoa); bản Hồ của người Xá Phó…

6. Thung lũng mường Hoa – Bãi đá cổ Sapa.
Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

7. Bãi đá cổ:
Có diện tích khoảng 8 km2 nằm tại thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện vào năm 1925.
Bãi đá trải rộng 8 km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Với những hoa văn kỳ lạ trên đá có nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết v.v. và những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Các nhà khoa học đã giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết.

8. Thác Bạc – Đỉnh Đèo
Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên vào mùa xuân du khách nên cân nhắc trước khi tham quan Thác Bạc vì khi ấy thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc là du khách đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Phan Si Păng, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.

9. Cổng trời
Ra khỏi thị trấn Sapa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sapa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Si Păng vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.

10. Tham quan Suối Mường Hoa. Trải dài khoảng 15 km dọc theo thung lũng Mường Hoa, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ, Sa Pa, Lào Cai, Việt Nam. Dòng suối như con trăn khổng lồ ngoằn ngoèo, uốn lượn bên những triền ruộng bậc thang.

Vào mùa lúa chín, sắc vàng từ những tràn ruộng soi bóng xuống dòng nước trong xanh làm tôn thêm vẻ đẹp huyền ảo của thung lũng Mường Hoa - Sapa Đến Sa Pa (Lào Cai), nhiều người đã từng lên Thác Bạc, được chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của ngọn thác này và đây chính là ngọn nguồn của con suối với cái tên rất đẹp Mường Hoa.
Người già kể rằng: Vài chục trăm về trước, hai bên bờ suối có rất nhiều cây cổ thụ, dưới những hốc cây là nơi cư ngụ của họ hàng nhà cá. Cá ở suối Mường Hoa nhiều vô kể, có con nặng tới một yến. Vào mùa tháng 2 - 3 (âm lịch) khi ngọn gió nồm xua tan giá lạnh của vùng cao, trai bản trên gái làng dưới tối tối lại rủ nhau ra suối bắt cá, cả khúc suối huyên náo bởi tiếng nói cười rộn rã. Họ dùng đá ném xuống suối để lũ cá hoảng sợ chạy trốn vào hốc đá rồi xuống suối mò cá. Bắt cá chỉ là cái cớ để các chàng trai nắm tay cô gái. Tay trong tay, ánh mắt trao nhau nồng nàn, đắm đuối và tình yêu bắt đầu từ dòng suối Mường Hoa.

11. Thung lũng tình yêu. Thung lũng Hoa Hồng thuộc địa phận xóm 1, đường Mường Hoa, thị trấn Sa Pa, có diện tích 22ha, nằm trong thung lũng được tạo bởi hai dãy núi Hàm Rồng và Phan Xi Păng. Đây là khu du lịch sinh thái được ATI đầu tư với gần triệu gốc hoa hồng, đào, mận, hồng giòn Hoa Kỳ, hạnh nhân Đài Loan...
Đến với Thung lũng Hoa Hồng, du khách có dịp tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, dạo bước trên những con đường quanh co bên sườn đồi, giữa những vườn hoa hồng thơm ngát; hay nghỉ ngơi, thư giãn trong quán bar nhìn ra khu ruộng bậc thang nằm bên dòng suối. Du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của “nóc nhà Đông Dương” và thưởng thức những trái cây đặc trưng ở địa phương. Vào mỗi buổi sáng, du khách sẽ được thưởng thức hương thơm ngây ngất của triệu đóa hồng nở hoặc đi giữa vườn đào, vườn mận… tạo cho du khách cảm giác như đang đi du lịch ở nước ngoài.

Nằm ở vị trí thuận lợi là ngã ba đường dẫn đến các bản làng dân tộc. Từ đây du khách có thể đi thăm bản Cát Cát, Sín Chải, Tả Phìn, Ô Quy Hồ, Tả Van, Lao Chải… để tìm hiểu đời sống cũng như nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mông, người Dao, người Xá Phó, người Tày...; hoặc đi thăm các thắng cảnh thiên nhiên như núi Hàm Rồng, bãi Đá Cổ, Thác Bạc - Cổng Trời.

12. Thác Tình yêu.
Thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng Tây Nam, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Sapa. Trước khi đến đây, du khách được khám phá vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh, bao quanh bởi những tán trúc già rêu phong, trầm mặc. Rừng trúc xanh mướt, bạt ngàn và thấp thoáng là những gam màu đỏ, vàng, trắng của hoa đỗ quyên. Cảnh đẹp như bức tranh sơn thủy, thoảng bên tai là âm thanh xào xạc, thì thầm của rừng già khiến du khách có thể thả hồn mình theo thiên nhiên.

13. Đồ ăn Sapa
Giá đồ ăn ở Sa Pa không đắt nhưng tốt nhất bạn nên hỏi giá trước khi ăn.
Khi đêm xuống, bạn có thể ra phố nướng uống rượu Sắn lung và ăn đồ nướng. Có nhiều đồ nướng lạ: trứng nướng, lòng nướng, dạ dày nướng, gà nướng, khoai tím nướng, trứng gà, trứng vịt lộn nướng, cơm lam.


* Xôi 7 màu
Xôi bảy màu là món ăn được lưu truyền từ thời xa xưa ở Mường Khương, Lào Cai.

Mỗi màu sắc trong món xôi là một loại lá, và mỗi màu sắc đó lại mang một ý nghĩ riêng như: Màu xanh của lá chuối non là màu đại diện cho mùa xuân, mùa của muôn hoa đua nở. Màu đỏ thẫm là màu của máu thể hiện sự hiên ngang, sự kiên cường của những người anh hùng đã anh dũng hi sinh trong chiến tranh. Màu vàng là màu biểu tượng cho sự đau thương, sự chia ly hay màu đỏ tươi là biểu tượng cho chiến thắng hào hùng của đồng bào Nùng...

Lợn cắp nách
Nghe cái tên đã thấy kỳ lạ, hỏi ra mới biết đó là các món ăn được chế biến từ thịt lợn Mường. Giống lợn Mường nhỏ, thả rông đến chừng 7-8 kg thì bắt và cắp nách đem về thịt. Và có lẽ cái tên lợn "cắp nách" ra đời từ đó.

Thịt được tẩm ướt với hành, tỏi, sả, hạt dổi..., chừng khi ngấm gia vị thì được kẹp xiên tre và nướng trên than hoa. Nghe mùi thịt thơm lừng, trông vàng ruộm cháy xèo xèo trên bếp là đã thấy thèm rồi.

Cơm Lam
Lam không phải là danh từ mà là một động từ, chỉ việc nướng chín thức ăn trong ống nứa tươi. Vì vậy không chỉ có cơm lam mà còn có thịt chim lam, cá lam, bầu bí lam...

Với cơm lam, thì lam đầu chỗ nút lá trước, vừa nướng vừa xoay, lam dần đến cuối ống, dùng ngón tay ấn, thấy mềm ở độ nào, đó là cơm chín. Dằn mạnh ống xuống đất, để cơm dồn chắc về phần cuối. Để nguội, róc vỏ ngoài bị cháy và cắt thành từng khoanh nhỏ... mùi cơm lam thơm một góc rừng. Nếu chưa ăn ngay và muốn dành thì chỉ việc dùng dao rọc hết lớp vỏ nứa bị cháy để lại một lớp vỏ mỏng trắng sạch sẽ, bỏ vào ba lô mang theo, vài ngày sau cơm vẫn không thiu không vữa. Cơm nếp lam có thể để được cả tuần. Lúc ăn, cắt cái ống ra thành từng khoanh, bóc vỏ: cơm rền và mịn như lát giò lụa. Vị của nứa tươi ngấm vào cơm thơm ngọt vị mía lùi. Dù thiếu muối, dù không kèm theo thức ăn gì khác, cơm lam cũng vẫn rất dễ ăn.

Rượu táo mèo
Lào Cai là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều loại rượu ngon, đặc trưng của núi rừng như: Đặc sản San Lùng (Bát Xát), rượu ngô (Bắc Hà), và gần đây, du khách còn được biết đến rượu táo mèo (Sa Pa). Đây là một loại rượu được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng. Quả táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Quả táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.

Nấm hương SaPa.
Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, là đặc sản của núi rừng Sa Pa. Vào các nhà hàng, bạn có thể yêu cầu được ăn món nấm hương. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm. Đó là thân nấm xé nhỏ xào với thịt, điểm xuyết thêm chút mực khô và gia vị thì mâm cỗ của bạn sẽ có đĩa nhắm chiếm ngôi hạng bên cạnh các món rau cải xoong, su su, cải nương, bắp cải, su hào... đều mang vị rất riêng của Sa Pa. Ngay như các món rau ở đây cũng đều được coi là rau sạch, vì bà con vẫn giữ nguyên cách thức cấy trồng truyền thống.

Thịt sấy “Khăng gai”
Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt Ngựa Trâu, Bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 - 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ.
Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng... Thịt có mùi thơm và bùi.  Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.

Tổng kết:

Điều mà tôi thích ở SaPa nhất chính là được ngắm nhìn ngắm bình minh tuyệt đẹp ở khu vực đỉnh dốc Cốc San nằm trên quốc lộ 4D Lào Cai – Sa Pa.
Từ vị trí này, Tôi có thể nhìn toàn cảnh trù phú, thanh bình của xã Cốc San đang vào mùa lúa chín vàng và phong cảnh phía xa là dãy núi Cao Sơn ẩn hiện trong sương sớm đẹp như tranh thủy mặc.


Sưu tầm tổng hợp

BÀI VIẾT XIN ĐƯỢC GỬI TẶNG ĐẾN NGƯỜI ANH EM NGUYỄN HƯNG.

0 facebook-blogger:

Post a Comment

 
Toggle Footer