Tuesday, June 4, 2013

Tìm hiểu về công ty đa cấp World-nets Việt Nam

9:38 PM

Bạn là người đang khát khao tìm cơ hội tăng thu nhập, để thay đổi cuộc sống, thực hiện ước mơ của mình và gia đình.

Bạn là người mới chưa từng hiểu gì về kinh doanh đa cấp. Bỗng một hôm, bạn được bạn mình mời đến dự một cơ hội kinh doanh, có thể mang lại cho bạn thu nhập vài chục, vài trăm triệu một tháng, bạn chứng kiến một vài người chỉ làm một, vài tháng mà thu nhập họ lên đến hàng chục, hàng trăm triệu (người thực, việc thực, họ sẵn sàng mở sơ đồ, mở tài khoản hệ thống để cho bạn xem). Tìm hiểu công ty bạn thấy có giấy phép hẳn hoi, thậm chí còn được lên cả truyền hình, thậm chí là đài truyền hình Việt Nam hẳn hoi.

Cơ hội thì quá tốt, vấn đề là chỉ cần đóng có một vài triệu đồng để mua một vài sản phẩm gì đó để có được mã số.

Bạn tặc lưỡi, công ty hợp pháp, người thành công cũng nhiều, người mời ta lại là bạn mình, cũng nên tham gia cho biết, thử vận may của mình. Nhưng nếu bạn không có vài triệu, bạn lưỡng lự không biết có tham gia hay không, thì những tư vấn viên sẽ động viên bạn: đi vay tiền, bán xe máy, bán…..nói chung là bán bất cứ cái gì đó có thể bán được để nhanh chóng có mã số tham gia kinh doanh cùng với họ.

Bạn lại suy ngẫm: cứ từ từ, để mai mốt tham gia cũng được.

Tư vấn viên (lãnh đạo) khuyên bạn: hãy nhanh chóng tham gia đi, vì có mã số anh mới có thể giúp em (gắn người cho em được), em chỉ cần chạy một chân nữa là có tiền rồi, nhiều tiền nữa là khác. Không có chỗ nào người ta giúp em như hệ thống của tụi anh đâu em ạ.
Kết thúc buổi tư vấn này có đến 90% các bạn trẻ chưa từng biết về kinh doanh đa cấp đều tìm mọi cách để có vài triệu mở mã số.
Một điều tai hại hơn, những tư vấn viên kia (lãnh đạo) còn tư vấn cho người mới mở tam giác (3 mã số), 5 mã số……

Vừa rồi, bạn đã được nghe tôi kể về một buổi tư vấn tuyển dụng thành viên mới của một công ty Hình tháp ảo (một biến tướng đa cấp).

Tôi vốn không có ý định viết về vấn đề này, nhưng trước thực trạng xã hội, số người hiểu tường tận về Kinh doanh đa cấp là quá ít. Trong khi đó số công ty Hình tháp ảo (lừa đảo) ngày càng nhiều.
Tôi hy vọng rằng, qua bài viết này sẽ góp phần giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về Kinh doanh đa cấp, và kinh doanh đa cấp ở Việt Nam, phân biệt rõ giữa Kinh doanh đa cấp chân chính và Hình tháp ảo (biến tướng của kinh doanh đa cấp-một hình thức lừa đảo-đã bị nghiêm cấm).

Nếu bạn cho rằng mình đã hiểu quá rõ về Kinh doanh đa cấp thì không cần bỏ thời gian và công sức để đọc phần tiếp theo, vì nó sẽ phí thời gian của bạn. Nếu bạn là người đang tìm hiểu về Kinh doanh đa cấp, hoặc chưa rõ về ngành nghề này, hoặc muốn có thông tin tham khảo thì đây là bài viết rất cần thiết cho bạn. Tôi cam đoan với bạn rằng, chưa có bất cứ tài liệu nào ở Việt Nam dám chỉ rõ cho bạn như vậy cả.

Vậy, kinh doanh đa cấp là gì, nó có hợp pháp không, nó có hợp pháp ở ViệtNam không?

Trả lời: Kinh doanh đa cấp (MLM-viết tắt Multi-level Marketing) còn có tên khác Kinh doanh theo mạng, là hình thức kinh doanh xuất hiện từ năm 1934 gắn liền với tên tuổi Nhà hóa học nổi tiếng Karl Renboug (Ông được xem là ông tổ ngành bán hàng đa cấp-là người đầu tiên phát minh ra viên bổ sung dinh dưỡng dạng viên nén). Được công nhận lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1979 (đây là quốc gia đầu tiên công nhận hình thức kinh doanh đa cấp- đồng thời là chiến thắng lịch sử của công ty Amway-sau này phát triển thành tập đoàn Amway-mở ra một hình thức kinh doanh mới hợp pháp trên toàn thế giới).

Hiện nay, kinh doanh theo mạng được chấp nhận ở nhiều quốc gia, và nó là một tiêu chuẩn bắt buộc của bất cứ một quốc gia nào muốn trở thành thành viên của WTO (tổ chức thương mại thế giới). Bởi vì, kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh mang tính hiệu quả và mang tính nhân văn rất cao trong nền kinh tế thị trường.

Theo lộ trình gia nhập WTO, Việt Nam đã có nhiều văn bản, như trong Luật Cạnh tranh, mà cụ thể là Nghị định 110/2005/NĐ-CP của chính phủ ngày 24 tháng 8 năm 2005 về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 110 ra đời đã chỉ ra rằng: Hoạt động kinh doanh đa cấp là được cho phép ở Việt Nam. Đồng thời, nghị định 110 là tấm “gương chiếu yêu” để phân biệt rạch ròi giữa Kinh doanh đa cấp và Hình tháp ảo.

Ngày nay, công nghệ thông tin, internet phát triển rộng khắp, việc tìm hiểu thông tin xác định đúng sai thì không quá khó. Rất tiếc về một thế hệ trẻ Việt Nam, thay gì không biết thì tìm sách mà đọc, tìm thông tin mà tra cứu, việc tra cứu bằng internet bây giờ thì đâu có khó quá. Nhưng thay vì đọc sách, thì không đọc, chỉ toàn tán dóc, đọc sách chỉ xem hình. Tài liệu in chỉ phí tiền, chẳng học được bao nhiêu. Lên mạng internet thì chỉ chat, chit, chơi game, xem phim…. Nói chung là thích chơi, hơn thích học, đến khi gặp những kẻ lừa đảo vẫn còn tưởng họ là ân nhân của mình. Thật là đáng tiếc.

Các bạn có biết rằng, để nghiên cứu về một vấn đề nào đó, bạn có thể tìm hiểu trên internet. Và trên internet có 2 công cụ hỗ trợ rất tốt.

Thứ nhất phải nói đến trang tìm kiếm Google. Tôi hay nói vui, đó là ông thầy của tôi, một ông thầy biết tất cả mọi thứ, nhưng rất nhã nhặn. Hỏi cái gì thầy cũng nói, nếu không trả lời được thì thầy cũng rất nhã nhặn trả lời : “không tìm thấy tài liệu”.

Thứ hai, đó là Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Tôi không nói rằng cái gì Wikipedia nói cũng hoàn toàn toàn đúng, nó cũng có cái chưa đúng, nhưng tỉ lệ đó là cực kỳ thấp. Tại sao tôi dám khẳng định như vậy? Bởi vì Wikipedia công bố phải có chỉ dẫn nguồn và nguyên tắc hoạt động của Wikipedia là theo biểu quyết số đông. Do đó, tỷ lệ chính xác rất cao. Ai cũng có thể đăng thông tin, ý kiến của mình trên Wiki, nhưng chỉ có sự thật mới được tồn tại được ở trên đó mà thôi.

Có 2 tài liệu tối thiểu để nghiên cứu về Kinh doanh đa cấp:
Thứ nhất, lịch sử kinh doanh đa cấp được tổng hợp trên Wikipedia.
Thứ hai, nghị định 110 của chính phủ. (trên trang cơ sở dữ liệu luật của Quốc hội).

Tại sao tôi lại gọi đây là 2 tài liệu tối thiểu. Bởi vì, nếu bạn chưa từng đọc hết toàn bộ 2 tài liệu này thì xem nhưng bạn chưa biết gì về Kinh doanh đa cấp cả. Chẳng qua bạn hiểu đa cấp qua sự mô tả của một người nào mà bạn cho rằng là có hiểu biết. Kính thưa, bạn cho rằng họ hiểu biết, chưa chắc họ đã hiểu biết. Ở đời, thùng rỗng thường hay kêu to mà. Vả lại, tam sao thất bản.
Vậy, công ty kinh doanh đa cấp và hình tháp ảo khác nhau như thế nào?
Câu trả lời đã được chỉ rất rõ trong 2 tài liệu tối thiểu tôi đã cũng cấp cho các bạn.

Vậy có phải những công ty Kinh doanh đa cấp có giấy phép hoạt động do Nhà nước Việt Nam cấp thì chúng ta có thể yên tâm hợp tác đúng không?
Câu trả lời là : Không.
Nói cho nó vui một tí. Người ta có câu “Phong ba bão táp không bằng luật pháp Việt Nam”.
Vấn đề ở chỗ, bạn chưa đọc hết 2 tài liệu tối thiểu do tôi cung cấp, đọc xong bạn sẽ tự hiểu rõ mà thôi.

Có những công ty có giấy phép hẳn hoi, nhưng nó vẫn là hình tháp ảo. Tôi lấy ví dụ gần nhất cho các bạn dễ tìm hiểu. Công ty World-Nets Việt Nam, đây là một công ty hình tháp ảo. Tại sao tôi dám khẳng định với các bạn như vậy. Tôi chỉ cho các bạn thấy nó lừa đảo như thế nào nhé.

Về vấn đề pháp luật thì sao. World-Nets hoạt động không đúng pháp luật ở chỗ nào.

Nghị định 110, chương 2, điều 7, khoản 1, khoản 2 ghi rõ

Điều 7. Những hành vi bị cấm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
2. Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ở khoản 2: Nghiêm cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Công ty World-Nets yêu cầu người tham gia phải mua sản phẩm như Canxi, Wodemax…. với giá “trên trời” vậy là đúng hay là sai. Riêng cụm từ “yêu cầu mua hàng hóa để có mã số” và “để có mã số thì phải mua hàng” thì nó cũng như nhau mà thôi.

Điều 11, chương 2 nghị định 110, quy định về mua lại hàng hóa của người tham gia khi chấm dứt hợp đồng bắt buộc công ty phải trả lại ít nhất 90% trở lên, vậy World-nets có không ? Bạn thử trả coi có được không?

Điều 11. Mua lại hàng hoá của người tham gia khi chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp
1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải mua lại hàng hoá đã bán cho người tham gia khi hàng hoá đó đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có thể bán lại theo mục đích sử dụng ban đầu của hàng hoá;
b) Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người tham gia nhận hàng.

2. Trong trường hợp phải mua lại hàng hoá theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm:
a) Hoàn lại tổng số tiền mà người tham gia đã trả để nhận được hàng hoá đó nếu không có căn cứ để khấu trừ theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Trong trường hợp doanh nghiệp phải chịu các chi phí quản lý, tái lưu kho và các chi phí hành chính khác thì phải hoàn lại tổng số tiền không ít hơn 90% khoản tiền mà người tham gia đã trả để nhận được hàng hoá đó.
3. Khi hoàn lại tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác mà người tham gia đã nhận từ việc nhận hàng hoá đó.
4. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không áp dụng đối với trường hợp hàng hoá thuộc diện không phải mua lại bao gồm: hàng hoá khi trả lại đã hết hạn sử dụng, hàng hoá theo mùa hoặc hàng hoá dùng để khuyến mại.

Vì thời gian không nhiều, tôi chỉ phân tích cho các bạn một số thông tin để bạn tham khảo.

Vì nghị định 110 do Chính phủ ban hành, nó không phải là Luật do Quốc hội ban hành, do đó tính chặt chẽ của nó vẫn còn chưa thực sự toàn diện. Mà nó chỉ mới là cái khung thôi, chưa có lợp lá đầy đủ đâu. Đối với công ty World-nets thì nó hơi thô, nên dễ phát hiện Hình tháp ảo, còn nhiều công ty khác, bạn phải nghiên cứu rất kỹ mới có thể nhận định chính xác được.

Do đó, khi nghiên cứu một công ty Kinh doanh đa cấp bạn cần hết sức thận trọng để tránh tham gia phải công ty Hình tháp ảo, kết quả là tiền mất, lại mang tiếng “lừa đảo”, “thiếu kiến thức”, cái giá phải trả không chỉ là tiền, mà nó còn có khi là cả uy tín mà bấy lâu chúng ta mới có thể xây dựng được.

Nói về kinh doanh đa cấp mặc dù nó rất tốt, nhưng hiện tại tôi nhận thấy, các nhà làm luật cần phải Quy định định thêm về quyền của các công ty kinh doanh đa cấp. Hiện nay, tất cả các công ty kinh doanh đa cấp đều nghiêm cấm đối tác của mình (các nhà phân phối) không được tham gia công ty kinh doanh đa cấp khác. Đây là một điều nghịch lý, vi phạm nghiêm trọng quyền tiêu dùng. Tại sao tôi lại nói như vậy. Vì bản chất, công ty không trả lương cho Nhà phân phối, những gì họ có được là kết quả lao động của họ, mỗi công ty có những thế mạnh sản phẩm khác nhau, chẳng lẽ tôi tham gia công ty của anh thì mãi mãi tôi không được làm thẻ để dùng hàng giảm giá của các công ty khác hay sao. Công ty kinh doanh đa cấp không có quyền cấm nhà phân phối tham gia công ty khác, hoặc chấm dứt hợp đồng khi tham gia công ty kinh doanh đa cấp khác. Tôi nghĩ, luật pháp Việt Nam cần điều chỉnh quy định của các công ty này, để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Nếu bạn cảm thấy đây là một bài viết chân thực và có ích giúp, hãy gửi link bài viết này đến những người bạn của mình, góp phần giúp họ tránh xa những hành vi lừa đảo được núp bóng là kinh doanh đa cấp.

Toàn văn nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (click here)

Nguồn: Sưu tầm

3 facebook-blogger:

 
Toggle Footer