Điều đầu tiên khi sử dụng xe máy lưu thông trên đường là bạn phải có giấy phép lái xe theo đúng loại xe mà mình đang sử dụng , phải có Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe đó. Và bắt buộc phải đội nón bảo hiểm cho người ngồi trên xe.
1. Chốt và dẫn đoàn làm gì?
- Về nguyên tắc, dẫn đoàn dẫn đường đi và điều phối tốc độ của đoàn (ví dụ: khi có đoạn giới hạn tốc độ tối đa) và tính toán khi nào cả đoàn nên dừng lại như khi đổ xăng, thay quần áo (mưa, rét, nóng), hay các việc khác.
- Xe dẫn đoàn khi gặp ngã ba, ngã tư phải dừng lại chờ xe sau cùng rẽ để tránh lạc đường. Trong trường hợp dừng trời tối, anh chị em dừng lại thì bật xi nhan phải để các xe khác còn nhìn thấy mà chọn lựa việc join đoàn (nếu là thành viên) hay né ra chỗ khác mà không cán phải chúng ta. Dẫn đoàn cần đặc biệt tinh tế trong việc cho anh chị em dừng, nghỉ; căn tầm xăng; chọn chỗ rộng, thoáng, cảnh đẹp. Ngoài ra phải chú ý đường, biển báo, đặc biệt là biển báo hạn chế tốc độ.
- Còn chốt đoàn nhằm đảm bảo không ai bị rớt lại đoàn và đảm bảo đoàn đi với khoảng cách đồng đều. Khi có ai tụt lại, chốt đoàn phải tụt lại theo và cùng xe tụt lại đó đi nhanh hơn để bắt kịp đoàn. Chính vì vậy, Cần phân công 2 xe đi cuối thay nhau chốt và giám sát lẫn nhau.
- Chốt đoàn phải mang một bộ đồ nghề sửa xe đầy đủ, các thiết bị thay thế cơ bản như: dây phanh, dây côn, xích (với những xe xích trần, côn tay) buzi, săm... đồ cứu thương và đặc biệt là phải có hiểu biết cũng như khả năng xử lý và phản ứng nhanh với các sự cố hỏng hóc về xe cộ, sơ cứu. Do đó, chốt đoàn luôn phải là người có kinh nghiệm và kỹ năng tốt nhất trong đoàn.
2. Xế ôm lưu ý gì?
- Kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi: Đảm bảo an toàn khi đi đường và không làm tổn hại đến chiếc phương tiện. Nên thay dầu mỡ, và kiểm tra độ dầy má phanh trước mỗi hành trình.
- Về khoảng cách và tốc độ giữa các xe: Ở các đoạn Quốc lộ hay Cao tốc, khoảng cách giữa các xe khoảng 50m là vừa (vì tốc độ xe khi đó khoảng 50-60km/h) đảm bảo an toàn.
- Khi chạy tối, tốc độ sẽ giảm và các xe có thể đi gần nhau hơn - khoảng 20m - tuy nhiên, lúc này xe trước và xe sau sẽ đi so le với nhau nhưng không cách quá xa. Lợi ích của việc đi so le với nhau là các xe có thể soi đèn cho nhau, không bị khuất tầm nhìn, và nếu có xe nào rủi ro ngã thì xe sau không bị dính theo. Trong trường hợp không áng chừng được khoảng cách, các xe đi sau nên cố gắng để tầm đèn pha xe mình đè tầm đèn hậu xe đi trước. Chú ý đảm bảo mình đi đúng theo đội hình.
- Khi trời tối nếu dừng lại yêu cầu các xế bật xi nhan xe để các xe nhận ra nhau, và để các phương tiện khác nhận biết xe.
- Dọc đường đi, khi xe nào có vấn đề gì cần dừng khẩn cấp hoặc cần sự hỗ trợ của mọi người, các ÔM sẽ phải có trách nhiệm liên lạc với ÔM của Leader hoặc xe nào gần ngay mình nhất. Chính vì thế các ôm lưu ý có số của tất cả các ôm khác trong máy điện thoại, để khỏi mất công moi giấy ra tìm số khi cần. Phải làm việc này vì khi đang trên đường, các xế nên hạn chế tối đa việc nghe điện thoại, dễ gây mất tập trung khi điều khiển xe.
- Xế cẩn thận, chắc chắn và có tinh thần trách nhiệm với Ôm cũng như trách nhiệm với lịch trình của cả đoàn.
- Qua ngã ba ngã tư ko thấy xe dẫn đầu đứng chờ thì mặc định đi thẳng.
- Mình thấy đa phần là các bạn ÔM không quan tâm lắm đến các vấn đề đi lại trên đường, hầu hết là phó thác cho XẾ trong khi việc đi lại cẩn thận đảm bảo an toàn cho cả 2 và cả nhóm. Vì vậy, ôm cần chia sẻ mấy điều sau: Các bạn ôm thường ngại ngồi sát xế điều đó làm xế khó điều khiển xe, do đó khuyến cáo đã là Ôm thì phải ôm. Điều này giúp cho xế dễ hơn trong việc giữ cân bằng và trọng tâm cho xe, nhất là khi đi đường đèo dốc.
3. Kỷ luật đi đường
- Không nên vượt dẫn đoàn, trừ khi đang đà lên dốc, nhưng sau khi lên dốc xong phải giảm tốc độ nhường dẫn đoàn đi trước
- Tuyệt đối không được tách đoàn
- Tuyệt đối không được lạng lách, đánh võng, đùa nghịch khi đang lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ
- Các vấn đề cư xử, hành xử với dân địa phương nơi đoàn đi qua, dừng nghỉ, mọi người đều biết phải làm gì tốt nhất cho mình và cho người khác
- Không uống bia rượu trong các chặng nghỉ trên đường đi (đặc biệt là các chặng nghỉ trưa, giữa đường) hoặc làm ảnh hưởng đến lịch trình của ngày tiếp theo
4. Kỹ thuật điều khiển xe trên đường
4.1. Vượt ô tô
- Không được vượt ô tô khi trước mặt là khúc cua khuất tầm nhìn, ta ko biết đằng trước có xe ngược chiều gì. Nếu cố vượt thì xác suất gặp tai nạn là cực kỳ cao.
- Chỉ vượt ô tô khi có tầm nhìn thoáng và bao quát được phía trước ô tô
- Bật xi nhan trái, nhá còi liên tục và di chuyển vào vùng gương chiếu hậu trái của ô tô trước khi vượt.
- Chờ đến khi ô tô có dấu hiệu nhường đường mới được vượt. Ko thì tiếp tục chờ cho đến khi nó nhường đường.
- Cần đặc biệt kiên nhẫn và cẩn thận khi vượt xe siêu trường, xe container. Những loại xe này thân rất dài, khó vượt, hút gió mạnh, dễ bị đuôi xe quệt vào. Do vậy chỉ vượt khi đường đủ rộng và xe ô tô đã chắc chắn tỏ dấu hiệu nhường đường. Nếu loại xe này phóng nhanh thì chập nhận đi đằng sau.
- Nếu xe ngược chiều phóng nhanh tiến gần và lấn hết làn đường thì phải tấp ngay vào sát lề bên phải, thậm chí nếu cần có khi phải phi tạm xuống mương, ruộng để tránh. Nhiều xe điên đi lấn hết đường và ko thèm tránh ai cả nên ta phải tránh họ.
4.2. Đi đường đèo dốc
- Tùy độ dốc mà về số thích hợp: 3, 2, 1. Tốc độ không lên vượt quá 40km/h. Đặc biệt với những cung đường như Hà Giang, Điện Biên...thì "Đừng vội".
- Không đi xe ga hoặc xe có bánh xe nhỏ như: Attila, SCR, LX, SH, PS, Nouvo, Mio, Click..., vừa hại xe vừa nguy hiểm khi lên dốc xuống dốc.
- Các xe đi cách nhau tối thiểu 20m nếu ko sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ. Nhất là khi xuống dốc.
- Khi lên dốc, chú ý tình trạng hoạt động của xe để tránh xe bị tụt hơi, bó máy do quá nóng.... Phải chú ý dừng lại cho xe nghỉ sau mỗi chặng lên dốc liên tục để chờ máy nguội. Tuyệt đối ko phun nước vào máy vì sẽ làm giảm tuổi thọ của vật liệu chế tạo máy (dội nước lạnh vào khi máy đang quá nóng sẽ như tôi kim loại vậy).
- Các xe phổ thông, đời ko quá cũ thì phanh trước là đĩa, phanh sau là cơ (phanh đùm). Khi lên dốc, khói xe khét, phanh sau ko khét. Khi xuống dốc khói xe ko khét nhưng phanh sau khét. Đây là điều bình thường. Nếu cảm thấy mùi khét phát ra ở máy chứ ko phải ở đuôi xe (nơi có ống xả và phanh sau) thì phải dừng lại xem xét)
- Khi xuống dốc KHÔNG ĐƯỢC CẮT CÔN ĐỂ XE TRÔI TỰ DO. Nếu cảm thấy xe trôi dốc quá nhanh cầm bóp kết hợp hai phanh đồng thời về số 3, thậm chí sô 2 để hãm bớt tốc độ của xe. Nên kết hợp giản tốc bằng số thay vì chỉ dùng phanh (nếu chỉ dùng phanh sẽ dễ gây bó phanh, trượt bánh, hoặc nếu rủi ro đứt phanh giữa chừng thì sẽ rất nguy hiểm)
Box 1: Mỗi nhóm Phượt nên tạo cho mình 1 phong cách và dấu ấn riêng. Điều này vừa làm tăng thêm hứng thú và gắn bó cho các thành viên trong đoàn. Nhưng quan trọng hơn là để các thành viên nhận ra nhau trong khi đang di chuyển trên đường. Điều này là rất quan trọng với những đoàn đông và mọi người chưa biết nhau trước mỗi hành trình
Box 2: trên đường Phượt điều gì cũng có thể xảy ra, mỗi người chúng ta hãy luôn cẩn thận, ngoài sống vì đam mê của mình cũng cần sống vì niềm vui của những người xung quanh nữa, có biết bao người mà niềm vui của họ chỉ đơn giản là thấy chúng ta luôn mạnh khỏe...Trước khi cơn say mạo hiểm đẩy chúng ta vào một hành động điên rồ và bất cẩn nào đó, hãy nghĩ đến những ai sẽ khóc nếu ta không trở về
Box 3: Các đồ dùng y tế cần thiết nên mang theo và kỹ năng cứu thương
- Các dụng cụ y tế nên mang theo: Băng y tế 2, Gạc, Bông, Dây garo (có thể mua tại các hiệu thuốc hoặc tự làm), Bơm tiêm, miếng dán vết thương AGO các kích cỡ khác nhau
- Các loại thuốc cần thiết khi mang theo: Oxi già, cồn vệ sinh vết thương, Thuốc đau bụng do ngộ độc thức ăn (có thể mua Becberin hoặc nopa dạng ống tiêm bắp), Thuốc giảm đau có thể mua Paracetamol hoặc tương đương, Cao dán, Dầu gió, Thuốc cầm máu có thể mua Calcianginat, kháng sinh, thuốc khử trùng vết thương Betadine, thuốc cảm, thuốc đau đầu...
- Khi đi Phượt, nếu rủi có tại nạn đáng tiếc sảy ra, chúng ta có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây để xử lý cấp cứu nhanh và cần thiết, hạn chế những biến chứng của vết thương. Mục đích của việc sơ cứu là cầm máu tạm thời, nếu mất máu nhiều, nạn nhân sẽ bị sốc nặng
* Băng ép: Sau khi dùng cồn và Ô xi già vệ sinh sạch vết thương, dùng thuốc sát trùng phủ lên vết thương rồi đặt một lớp gạc và bông thấm nước phủ kín vết thương, sau đó đặt một lớp bông mỡ (có tác dụng đàn hồi và không thấm nước) dày lên trên; lớp này càng dày thì tạo được sự nén ép càng cao; sức ép chỉ tập trung ở vị trí có lớp bông mỡ nên không cản trở tuần hoàn chung. Băng kiểu vòng xoắn hoặc số 8, các vòng băng tương đối chặt, tốt nhất là dùng băng thun. Đây là phương pháp cầm máu cơ bản có thể áp dụng cho mọi vết thương mà không sợ các tai biến
* Băng nút: Là cách băng ép có dùng thêm bấc gạc để nhét nút vào vết thương. Nhét nút càng chặt thì sức ép càng tăng và tác dụng cầm máu càng tốt. Băng nút thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu hoặc những vùng đặc biệt của cơ thể (như vùng cổ, vùng chậu) mà băng ép thông thường không phát huy được tác dụng cầm máu. Cách băng nút: Dùng kẹp cầm máu hoặc nỉa nhét gạc vô khuẩn (tốt nhất là khâu sẵn thành cuộn gạc dài 2 cm x 50 cm) nhồi sâu vào tận đáy vết thương, ấn chặt để có tác dụng đè ép, cầm máu; sau đó tiến hành băng ép như trên.
Nhược điểm của băng nút là khi nhét bấc gạc, ta có thể đưa cả dị vật và các mô dập nát vào sâu, gây ô nhiễm vết thương. Do đó, chỉ nên băng nút khi băng ép không hiệu quả và không thể áp dụng được các phương pháp cầm máu khác
Và cuối cùng xin chúc các anh em, những người yêu du lịch sẽ có những chuyến đi mỹ mãn.
Nguồn: Phượt.vn
0 facebook-blogger:
Post a Comment