Wednesday, May 7, 2014

56 câu hỏi về HIV/AIDS

5:27 PM


Những câu hỏi thường gặp nhất về HIV/AIDS


TT
Câu hỏi
 Trả lời
Câu 1
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ lây nhiễm HIV không? Tại sao?
Có. Vì hậu môn không được cấu tạo để quan hệ tình dục. Ở hậu môn có rất nhiều mạch máu, khi quan hệ tình dục qua hậu môn rất dễ bị xây xước và chảy máu. HIV có trong tinh dịch của nam giới sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn tình thông qua các vết xước và tổn thương của hậu môn.

Câu 2
Tại sao người bán dâm dễ bị lây nhiễm HIV qua đường tình dục?
- Do quan hệ tình dục với nhiều người nên người bán dâm dễ gặp phải bạn tình là người nhiễm HIV.
- Do quan hệ tình dục (QHTD) với nhiều người nên dễ có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra những tổn thương ở bộ phận sinh dục (loét, xây sát), do đó dễ bị nhiễm HIV hơn vì HIV dễ dàng thâm nhập vào cơ thể qua các vết loét, xây sát này.
- Người bán dâm ít hoặc không sử dụng BCS khi quan hệ tình dục (do phụ thuộc vào sở thích của khách hàng) cũng là nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
- Nếu QHTD qua đường hậu môn thì nguy cơ bị lây nhiễm HIV càng cao hơn.

Câu 3
Tại sao người tiêm chích ma túy dễ bị nhiễm HIV
- Do dùng chung BKT và dụng cụ pha thuốc không khử trùng.
- Người nghiện thường không kiểm soát được hành vi nên có thể quan hệ tình dục với nhiều người và không sử dụng BCS.
- Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT cao nên khả năng họ bị lây nhiễm HIV từ bạn nghiện/bạn tình là rất lớn.

Câu 4
Có một người hỏi bạn “đánh răng trước và sau khi quan hệ tình dục bằng miệng có tránh được lây nhiễm HIV không”. Bạn trả lời thế nào?
Không, vì:
- Trong tinh dịch của đàn ông bị nhiễm HIV có HIV do vậy có khả năng lây nhiễm HIV.
- Trong niêm mạc miệng nếu có xây xước hoặc tổn thương thì có nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Cách tốt nhất là không nên quan hệ tình dục qua đường miệng để tránh lây nhiễm HIV
- Trường hợp phải quan hệ tình dục qua đường miệng thì nên:
+ Tránh xuất tinh vào miệng
+ sử dụng BCS khi quan hệ
+ Xúc miệng bằng nước sát khuẩn nhiều lần sau khi quan hệ

Câu 5
Người tiêm chích ma túy thường gặp những nguy cơ nào về sức khỏe?
- Nhiễm HIV và mắc một số bệnh lây qua đường máu
- Nhiễm trùng chỗ tiêm chích
- Ngộ độc heroin
- Tử vong do quá liều
- Táo bón
- Giảm nhận thức do thiếu oxy não
- Rối loạn hệ sinh sản và nội tiết
- Trầm cảm, vô cảm

Câu 6
Bạn cho biết những dấu hiệu thường gặp của các bệnh lây truyền qua đường tình dục?
- Tiết dịch nhiều, dịch bất thường ở bộ phận sinh dục (màu sắc: trắng, vàng, xanh đục, có mùi hôi, mùi không bình thường):
- Đau, rát, phồng rộp, ngứa, loét ở bộ phận sinh dục;
- Đái rắt, đái buốt;
- Đau bụng, đau khi giao hợp;
- Sưng bìu, sưng hạch bẹn.

Câu 7
HIV có ở đâu trong cơ thể người?
- Trong máu
- Trong tinh dịch và dịch âm đạo
- Trong sữa người nhiễm
- Trong các dịch tiết khác: nước bọt, nước mắt, nước tiểu….

Câu 8
Bạn hãy mô tả cách sử dụng bao cao su đúng cách (vừa mô tả vừa trình diễn trên mô hình).

Bước 1Kiểm tra lại hạn dùng ghi trên vỏ bảo vệ để chắc chắn rằng bao cao su còn hạn sử dụng. Đẩy bao về một phía và xé vỏ bao tại vết răng cưa để lấy ra nhẹ nhàng, tránh làm rách bao;
Bước 2. Giữ đầu bao cao su, bóp nhẹ để đẩy không khí ra ngoài rồi đặt vào đầu dương vật đã cương cứng. Lưu ý để vành cuộn cuốn quay ra ngoài;
Bước 3: Lăn vành cuộn của bao cao su xuống để phủ hết chiều dài dương vật.
Bước 4: Sau khi xuất tinh, rút dương vật ra khỏi âm đạo, miệng hay hậu môn (ngay từ khi dương vật còn cương cứng), đồng thời giữ lấy bao ở phần gốc dương vật để cho bao khỏi tuột ra và tinh dịch khỏi chảy ra ngoài. Tháo bao ra theo hướng từ gốc dương vật đi ra.
Bước 5: Bỏ bao vào thùng rác, không vứt bừa bãi.

Câu 9
Một người nói với bạn “Không nên chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà” Theo bạn quan niệm đó đúng hay sai? Tại sao?
Sai, vì;
- HIV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung,.. do đó khi người nhiễm HIV bị ốm vẫn có thể chăm sóc tại nhà mà không sợ lây cho người khác nếu chăm sóc theo đúng hướng dẫn chuyên môn y tế.
- HIV chỉ lây truyền khi khu vực da, niêm mạc bị tổn thương có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục của người nhiễm HIV;
- Nếu tay, chân người nhiễm bị xây xát, khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nên đi găng tay để phòng lây nhiễm HIV
- Chăm sóc người bệnh là một trong những nhiệm vụ chức năng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam.

Câu 10
Khi đến thăm một người bạn nhiễm HIV, bạn của bạn đang gọt hoa quả và cắt vào tay gây chảy máu. Cả nhà không biêt làm gì, bạn sẽ xử lý như thế nào?
- Trước hết phải cầm máu, không để máu vương ra ngoài, bằng cách đưa cho bạn ấy bông, gạc, trong trường hợp không có bông, gạc thì có thể dùng khăn mùi xoa hoặc miếng vải sạch… đặt lên vết thương và giữ thật chặt;
- Đeo găng tay cao su, nếu không có găng thì cho tay vào túi ni lông (để tránh dính máu của người nhiễm), sau đó:
+ Tiến hành lau rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng, cồn , nước muối, nước sạch.
+ Băng vết thương bằng băng/gạc sạch.
- Sau khi làm xong cần rửa tay trước khi tháo găng (hoặc túi ni lông) rồi tiếp tục rửa tay nhiều lần bằng xà phòng và nước sạch.
- Nếu có máu vương ra các nơi khác trong nhà, mặt bàn thì bạn phải:
+ Lau máu và các chất dính máu trên bằng giấy vệ sinh, giẻ rách,.. hay mùn cưa, lau càng sạch càng tốt, sau đó bỏ ngay chúng vào túi nylon và buộc chặt lại trước khi cho vào thùng rác.
+ Đối với bề mặt cứng (sàn nhà, bàn ghế…) thì tiếp tục lau rửa bằng nước xà phòng, hoặc các dụng dịch khử trùng khác như nước Javel, cloramin…
+ Đối với các bề mặt mềm (như thảm chùi chân, chăn..,) ngâm vào dung dịch khử trùng trong 30 phút, sau đó giặt lại bằng xà phòng với nước sạch, sau đó phơi khô.
+ Luôn mang găng tay cao su khi làm các động tác trên, và rửa sạch găng tay với nước và xà phòng trước khi tháo găng, và ngâm găng đó vào dung dịch sát trùng 30 phút, rửa lại găng bằng nước sạch và phơi khô trong chỗ râm mát sau mỗi lần sử dụng để có thể dùng lại vào lần sau (nếu găng chưa rách).

Câu 11
Các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng nào?
- Người mua dâm, bán dâm;
- Người nghiện chất dạng thuốc phiện;
- Người nhiễm HIV;
- Người có quan hệ tình dục đồng giới; 
- Người thuộc nhóm người di biến động;
- Người có quan hệ tình dục với các đối tượng trên.

Câu 12
Bạn hãy cho biết các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV?
- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su
- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;
- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Câu 13
Bạn có một khách hàng chưa lập gia đình, bị nhiễm HIV vừa ở Trung tâm cai nghiện trở về. Để tránh lây HIV cho những người khác trong gia đình, anh sống cách ly với mọi người (ăn, ở, sinh hoạt riêng). Bạn sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?
- Tìm cách tiếp cận với người thân trong gia đình anh ta, nhất là những người có uy tín nhất trong nhà để làm thân với họ.
- Giải thích cho gia đình họ rằng:
+ HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống, ôm hôn, bắt tay nên có thể chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà mà không sợ lây nhiễm HIV cho người khác, không nên để người nhiễm HIV sống cách ly với gia đình.
+ HIV chỉ lây khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương vết thương tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh dục của người nhiễm HIV.
+ Người nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường trong một thời gian dài nếu họ được động viên, an ủi của người thân trong gia đình.
+ Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định quy định rõ : “Gia đình của người nhiễm HIV có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tinh thần giúp người nhiễm HIV sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; phối hợp với các cơ quan,  tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”.

Câu 14
Bạn hãy cho biết các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm HIV
- Diện tiếp xúc: diện tiếp xúc càng rộng thì nguy cơ lây nhiễm càng cao
- Thời gian tiếp xúc: thời gian tiếp xúc càng lâu, nguy cơ lây nhiễm càng lớn
- Tuần suất tiếp xúc: Tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ càng cao
- Tình trạng nơi tiếp xúc: Nếu nơi tiếp xúc có vết loét, vết xước... thì nguy cơ lây nhiễm càng cao.
- Số lượng HIV trong dịch tiết: số lượng HIV trong dịch tiết mà ta tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ lây nhiễm càng lớn.
Câu 15
Người nghiện ma tuý đã nhiễm HIV thì không cần cai nghiện nữa, đúng hay sai? Tại sao?
Sai, vì:
- Người nghiện đã nhiễm HIV, nếu tiếp tục dùng chung bơm kim tiêm thì có thể dẫn đến một số hậu quả sau:
    + Có thể bị nhiễm thêm chủng HIV khác, trong đó có thể có các chủng kháng thuốc;
    + Có thể bị mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường máu khác, như viêm gan B, Viêm gan C, Giang mai..làm cho tình trạng nhiễm HIV trở nên xấu hơn.
    + Họ có thể làm lây HIV, viêm gan sang người khác.
    + Chất gây nghiện tiếp tục ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân người sử dụng ma tuý, “phá huỷ” cơ thể và làm cho quá trình tiến triển từ HIV sang AIDS diễn ra nhanh hơn
- Tiếp tục sử dụng ma túy sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, hạnh phúc gia đình và làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Cai nghiện ma tuý sẽ giúp bệnh nhân
    + Cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống
    + Cải thiện tình hình kinh tế của bản thân, gia đình, giúp có cuộc sống tốt hơn.

Câu 16
Bạn biết gì về điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút?
Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) là quá trình sử dụng phối hợp các loại thuốc kháng vi rút giúp giảm quá trình nhân lên của vi rút HIV trong cơ thể. Thuốc không tiêu diệt được vi rút HIV. 
- Thuốc ARV làm giảm số lượng HIV tấn công hệ thống miễn dịch, do đó làm cho hệ thống miễn dịch “mạnh hơn”, làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tỷ lệ tử vong do AIDS và kéo dài thời gian sống cho người nhiễm.
- Không phải tất cả người nhiễm HIV đều cần điều trị ARV ngay; chỉ có những người sức đề kháng kém (những người nhiễm HIV có các biểu hiện lâm sàng và các chỉ số CD-4 hoặc tế bào limpho thấp theo quy định của Bộ Y tế) mới cần được điều trị ARV.
- Điều trị ARV là điều trị suốt đời và trong quá trình điều trị người nhiễm HIV vẫn có khả năng truyền HIV cho người khác.
- Việc uống đủ thuốc và đều đặn là yếu tố quan trọng quyết định kết quả điều trị bằng ARV.

Câu  17
Người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút sẽ không làm lây truyền HIV sang người khác, đúng hay sai? Tại sao?
Sai, vì:
- Thuốc ARV chỉ có tác dụng hạn chế quá trình nhân lên của vi rút HIV trong cơ thể, không tiêu diệt được vi rút HIV
- Mặc dù đang điều trị bằng ARV trong cơ thể người nhiễm vẫn còn có một số lượng HIV nhất định. Do vậy người nhiễm vẫn có khả năng làm lây HIV cho người khác nếu có các hành vi không an toàn như:
    + Dùng chung các dụng cụ xuyên qua da.
    + Quan hệ tình dục không dùng bao cao su.
Câu 18
HIV dễ bị tiêu diệt khi ở ngoài cơ thể, nếu nam giới dùng kem kháng sinh bôi lên dương vật trước khi quan hệ tình dục thì có phòng lây nhiễm HIV được không? Tại sao?
Không, vì:
- Kháng sinh không tiêu diệt được vi rút HIV nên không phòng lây truyền HIV được.
- Trường hợp bôi kem kháng sinh lên dương vật có khả năng gây dị ứng, tổn thương cho dương vật.
- Cách tốt nhất để dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục mà nam giới nên áp dụng đó là dùng bao cao su đúng cách.

Câu 19
Khi đi thu gom bơm kim tiêm, không may bạn bị bơm kim tiêm đã qua sử dụng đâm vào tay có chảy máu. Bạn sẽ xử lý như thế nào?
Trong trường hợp này, cần thực hiện các bước sau:
- Rửa tay dưới vòi nước chảy hoặc ngâm vào dung dịch sát khuẩn
- Không bóp/nặn hoặc làm cho vết thương chảy máu.
- Bôi hoặc đắp bông gạc có chất sát trùng lên vết thương và che/đậy/băng vết thương lại bằng loại băng dán không thấm nước.
- Tìm đến cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ nhiễm trùng và lây nhiễm HIV, được làm xét nghiệm HIV, tư vấn phương pháp điều trị thích hợp theo quy định của Bộ Y tế.
- Thông báo cho trưởng nhóm nhóm/lãnh đạo đơn vị càng sớm càng tốt để được hướng dẫn và hỗ trợ (nếu cần).

Câu 20
Bạn hãy cho biết: văn bản nào quy định quyền của các tuyên truyền viên đồng đẳng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV? Đó là những quyền gì?
- Quyền của các tuyên truyền viên đồng đẳng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được quy định trong Nghị định số 108/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/6/2007 .
Gồm các quyền sau:
- Được hưởng các chế độ, phụ cấp từ các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
- Không bị coi là vi phạm pháp luật khi thực hiện việc phân phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

Câu 21
Bạn hãy cho biết: văn bản nào quy định trách nhiệm của các tuyên truyền viên đồng đẳng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV? Đó là những trách nhiệm gì?
- Trách nhiệm của các tuyên truyền viên đồng đẳng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được quy định trong Nghị định số 108/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/6/2007;
Gồm các trách nhiệm sau:
- Thông báo với Uỷ ban nhân dân và công an xã trước khi triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trên địa bàn
- Sử dụng Thẻ khi thực hiện nhiệm vụ đúng với phạm vi trách nhiệm được phân công

Câu 22
Việc thụt, rửa âm đạo sau mỗi lần quan hệ tình dục có làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV không? Tại sao?
Không, vì:
- Khi có quan hệ tình dục xâm nhập, vi rút hay vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong cơ thể ngay từ khi có sự tiếp xúc với dịch sinh dục và máu nếu có tổn thương ở bộ phận sinh dục giữa 02 bạn tình;
- Một số chất thụt rửa còn gây hại cho cơ thể vì làm mất đi những vi khuẩn có vai trò trong quá trình ngăn cản những vi khuẩn khác có hại xâm nhập vào cơ thể.
- Một số chất sát trùng có thể gây phản ứng có hại cho niêm mạc của cơ quan sinh dục

Câu 23
Xuất tinh ra ngoài âm đạo khi có quan hệ tình dục có tránh được lây nhiễm HIV không? Tại sao?
Không, vì:
- Trong tinh dịch của người nhiễm có HIV. Trong khi quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục nữ đã có tiếp xúc với tinh dịch trước khi người nam xuất tinh, do đó vẫn có khả năng lây nhiễm HIV.
- Nếu có xây xước, và tổn thương gây chảy máu ở dương vật thì HIV có trong máu sẽ xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ trong quá trình quan hệ, cơ quan sinh dục nữ có nguy cơ tiếp xúc với máu có HIV của người nam, làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Nếu người nữ nhiễm HIV thì dù xuất tinh ra ngoài âm đạo, cũng không làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho người nam do dương vật đã có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo và có thể cả máu của người nữ ngay từ khi bắt đầu quan hệ tình dục.

Câu 24
Kim tiêm (BKT) đã sử dụng được đốt/hơ qua lửa 1 phút và sử dụng lại thì có tránh được lây nhiễm HIV không? Tại sao?
Không, vì khoa học đã chứng minh:
- HIV sẽ bị tiêu diệt sau khi luộc sôi kim và bơm tiêm từ 20 phút trở lên.
- HIV sẽ bị tiêu diệt khi ngâm kim và bơm tiêm trong dung dịch khử trùng từ 30 phút trở lên
- HIV không chỉ có trong và ngoài kim tiêm, mà nó còn có trong bơm tiêm, dính ở đầu pit tông…nên nếu chỉ xử lý kim tiêm không thì chưa đủ để loại bỏ các nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Cách tốt nhất để phòng lây truyền HIV trong tiêm chích là:
+ Luôn dùng BKT sạch (BKT mới, sử dụng một lần hoặc BKT đã qua sử dụng được làm sạch đúng cách).
+ Không dùng chung dụng cụ tiêm chích.
+ Không dùng chung dụng cụ pha thuốc.

Câu 25
Hãy cho biết các giai đoạn có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con?
- Lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai;
- Lây truyền HIV từ mẹ sang con khi chuyển dạ, đẻ;
- Lây truyền HIV từ mẹ sang con khi cho con bú.
Câu 26
Bạn hãy nêu những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được quy định trong Nghị định 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
- Ngăn cản thực hiện các chương trình, dự án trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
- Lợi dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV để môi giới hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động mại dâm, buôn bán ma tuý
- Bán ra thị trường bơm kim tiêm, bao cao su, thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện và thuốc kháng HIV đã được quy định là cung cấp miễn phí
Câu 27
Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như nhà hàng, khách sạn, karaoke, mát xa... không cho nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện truyền thông về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho nhân viên trong cơ sở của mình có vi phạm pháp luật không?
- Có, đây là một trong trong các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, vì Luật đã quy định:
- Nghiêm cấm việc "Ngăn cản thực hiện các chương trình, dự án trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV"
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS".

Câu 28
Nếu tôi muốn cho máu của mình thì tôi có bị buộc phải xét nghiệm phát hiện HIV hay không?
- Người cho máu phải được khám sức khỏe và xét nghiệm trước mỗi lần lấy máu. Tuy nhiên, pháp luật không quy định việc xét nghiệm HIV đối với người cho máu mà chỉ quy định việc xét nghiệm sàng lọc HIV đối với túi máu.
Câu 29
Cơ sở y tế có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bị nhiễm HIV không?

Không, bởi vì:
- Luật phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm việc từ chối khám, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
- Tuy nhiên, do HIV/AIDS cũng là một bệnh truyền nhiễm nên khi điều trị tại các cơ sở y tế, Bạn phải tuân thủ các biện pháp dự phòng chung theo các Quy định của Bộ Y tế.

Câu 30
Pháp luật có hạn chế gì đối với việc cư trú, đi lại của người nhiễm HIV không?

- Không,
- Pháp luật hiện hành của Nhà nước ta không có qui định nào về việc hạn chế cư trú, đi lại đối với người bị nhiễm HIV/AIDS.
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm qui định: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và tư nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật".

Câu 31
Khi xin vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, ngoài việc khám sức khỏe thông thường, có cần phải làm xét nghiệm HIV không?

- Không,
- Người được tuyển dụng vào làm một công việc nhất định phải đáp ứng những yêu cầu sức khỏe đối với công việc đó. Người sử dụng lao động không được yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, hoặc  từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV.
- Bạn không cần làm xét nghiệm HIV khi xin vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức.

Câu 32
Người lao động đang làm việc bị nhiễm HIV thì chủ sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do đó hay không?
- Không.
- Nhiễm HIV không phải là lý do hợp pháp cho phép người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Người sử dụng lao động không được phép chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc vì lý do người lao động nhiễm HIV.
Câu 33
Nếu vợ (hoặc chồng) biết chồng (hoặc vợ) mình bị nhiễm HIV thì có quyền được ly hôn không?

- Pháp luật không qui định quyền được ly hôn nếu vợ (hoặc chồng) biết chồng (hoặc vợ) bị nhiễm HIV, bởi lẽ họ kết hôn hợp pháp trên cơ sở tình yêu, tự nguyện và không vi phạm các qui định cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình.
- Nếu hai bên tự nguyện ly hôn, hoặc trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng xin ly hôn, nếu hòa giải không thành thì Tòa án nhân dân sẽ xét xử.

Câu 34
Nếu người chồng (hoặc người vợ) bị nhiễm HIV thì người chồng (hoặc người vợ)  có phải thông báo cho nhau biết tình trạng nhiễm HIV không? Nếu không thông báo thì sao?
- Theo Luật phòng, chống HIV nếu bạn biết mình bị nhiễm HIV thì bạn có nghĩa vụ phải thông báo cho vợ (hoặc chồng) mình hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết tình trạng nhiễm HIV.
- Việc thông báo này cần được thực hiện trong thời hạn sớm nhất sau khi bạn biết kết quả xét nghiệm và phát hiện mình bị nhiễm HIV, nhằm bảo vệ vợ (hoặc chồng) mình không bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.

Câu 35
Điều nào của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 cho phép triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại?
Điều 34a quy định:
1Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
2. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triển khai trong nhóm người nghiện ma túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
3. Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này."

Câu 36
Anh (chị) hãy nêu tên một số chất gây nghiện hướng thần?
- Có 03 nhóm chất gây nghiện hướng thần: an thần, kích thích và ảo giác.
- An thần: rượu, các CDTP (heroin, morphin, codein), cần sa, benzodiazepins, thuốc ngủ nhóm barbituric.
- Kích thích: thuốc ngủ nhóm amphetamine, nicotine, cocain, cafein
- Ảo giác: Ecstasy, Ketamine, LSD, cần sa liều cao

Câu 37
Nghiện chất dạng thuốc phiện là gì?
Lệ thuộc (nghiện) là một bệnh của não bộ làm cho người nghiện khó từ bỏ chất gây nghiện
Nghiện được chẩn đoán khi có ít nhất 3 trong số 6 yếu tố sau trong vòng 12 tháng qua:
- Sự dung nạp (tăng liều sử dụng để đạt được cùng 1 độ phê).
- Hội chứng cai
- Sự thèm muốn mãnh liệt hoặc cảm giác bắt buộc phải sử dụng
- Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng chất gây nghiện liên quan đến việc bắt đầu, cai hoặc mức độ sử dụng
- Sao nhãng các thú vui, sở thích, công việc trước đây vì việc sử dụng chất gây nghiện hướng thần
- Tiếp tục sử dụng chất gây nghiện đó mặc dù biết rõ bằng chứng về hậu quả có hại của việc sử dụng

Câu 38
Quan điểm hiện nay về “nghiện ma túy” là gì?
Nghiện là một rối loạn mạn tính, tái diễn, được biểu hiện bằng hành vi bắt buộc phải tìm kiếm và sử dụng ma túy bất chấp những hậu quả bất lợi của việc sử dụng.

Câu 39
Bạn hãy cho biết tỷ lệ người sử dụng heroin trở thành “nghiện”
1 người trong số 4-5 người sử dụng heroin trở thành nghiện (20-25%)
Câu 40
Anh (chị) hãy nêu tác dụng tức thì của Heroin?
- gây ra cảm giác sung sướng: cảm giác phê, bốc
- Giảm đau
- Giảm cảm giác đói và giảm ham muốn tình dục
- buồn ngủ
- có thể buồn nôn và nôn
- nhịp thở và mạch chậm hơn
- giảm huyết áp
- co đồng tử
- da nóng đỏ ngứa, khô miệng, khô da và mắt

Câu 41
Hãy cho biết hậu quả lâu dài của việc sử dụng Heroin?
- tăng dung nạp do đó phải tăng liều để đạt được cảm giác phê
- quá liều (bất tỉnh hoặc tử vong)
- nghiện: xuất hiện hội chứng cai, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, phạm tội
- Lây truyền HIV do dùng chung dụng cụ tiêm chích
- Có khả năng gây: táo bón, giảm nhận thức do thiếu oxy não, rối loạn hệ sinh sản và nội tiết, trầm cảm vô cảm..

Câu 42
Hãy nêu các tác dụng của Methadone?
- Tương tự như các chất dạng thuốc phiện khác, Methadone có tác dụng giảm đau, giảm ho, gây yên dịu, giảm hô hấp và gây nghiện nhưng gây khoái cảm yếu.
- Với đặc điểm là gây khoái cảm yếu nên khi được dùng đủ liều Methadone thì bệnh nhân không còn cảm giác phê và thèm ma túy.
- Methadone được hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng qua đường uống, thời gian bán hủy trung bình là 24 giờ do đó khi sử dụng Methadone thay thế cho các chất dạng thuốc phiện khác thì giúp cho người nghiện ma túy giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp cũng như giảm những tác động tiêu cực của ma túy lên bệnh nhân.

Câu 43
Hãy nêu sự khác biệt giữa Methadone và heroin?
Methadone
Heroin
1. Sử dụng bằng đường uống nên không có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu.
1. Sử dụng nhiều bằng đường tiêm chích nên có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao (HIV, viêm gan B, C…)
2. Tác động kéo dài. Uống 1 lần trong ngày
2. Tác động ngắn, phải sử dụng nhiều lần trong ngày
3. Liều có hiệu quả là ổn định
3. Có xu hướng tăng liều để đạt được cùng 1 độ “phê” nên dễ gây quá liều.



Câu 44
Mục tiêu của điều trị nghiện ma túy bằng thuốc là gì?
- Ngăn chặn hoặc làm giảm sự thèm nhớ ma túy
- Ngăn chặn hoặc làm giảm khoái cảm do sử dụng ma túy (phê)
- Dự phòng/điều trị hội chứng cai
- Phục hồi chức năng não bộ trở về “bình thường”: cải thiện tâm trạng hoặc sự giảm thiểu nhận thức do nghiện ma túy gây ra; cải thiện việc kiểm soát sự thôi thúc sử dụng ma túy
- Điều trị những rối loạn tâm lý do ma túy

Câu 45
Hội chứng cai
1) Cảm giác thèm chất ma tuý.
2) Ngạt mũi hoặc hắt hơi.
3) Chảy nước mắt.
4) Đau cơ hoặc chuột rút.
5) Co cứng bụng.
6) Buồn nôn hoặc nôn.
7) Tiêu chảy.
8) Giãn đồng tử.
9) Nổi da gà hoặc ớn lạnh.
10) Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp.
11) Ngáp.
12) Ngủ không yên.

Câu 46
HIV xâm nhập và phát triển trong cơ thể con người như thế nào?
Hệ miễn dịch của con người, với các thành phần chủ lực là bạch cầu, là lực lượng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc mầm bệnh ung thư phát sinh từ một số tế bào trong cơ thể.
Người ta có thể ví bạch cầu như những người lính luôn đi “tuần tra” khắp có thể để phát hiện và chiến đấu chống lại các mềm bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc phát sinh từ bên trong cơ thể.

Trong đội ngũ bạch cầu, có một loại đặc biệt gọi là Lympho bào T-4, đóng vai trò như một tổng chỉ huy, có nhiệm vụ điều phối, huy động hoặc rút lui toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công ngay vào các bạch cầu, nhất là Lympho bào T-4. HIV sử dụng chính chất liệu di truyền của bạch cầu để nhân lên, để sinh sôi nảy nở. Như vậy, bạch cầu không những không bao vây, tiêu diệt được HIV, mà còn bị HIV biến thành “kẻ tòng phạm” và cuối cùng bị HIV phá hủy.

Do sự phá hủy của bạch cầu bởi HIV ngày càng nhiều, dẫn đến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm dần, cuối cùng là bị “vô hiệu hóa” và điều đó có nghĩa là có thể con người không còn được bảo vệ nữa. Lúc đó, mọi mầm bệnh khác (vi trùng, siêu vi trùng, tế bào ung thư “mặc sức hoành hành” gây nên nhiều chứng, nhiều bệnh nguy hiểm... và cơ thể người bệnh bị tiêu diệt.

Ngoài ra, sau khi xâm nhập cơ thể, HIV còn trực tiếp phá hoại tế bào thần kinh đệm khiến người bệnh lú lẫn, mất trí... hoặc xâm nhập vào cơ quan thần kinh, dạ dày, ruột, da...gây nên những hội chứng lâm sàng cho các cơ quan này, làm cho bệnh cảnh lâm sàng của AIDS vì thế mà trở nên hết sức đa dạng và phức tạp.

Câu 47
Bạn hãy cho biết các giai đoạn chính của nhiễm HIV tiến triển thành AIDS trong cơ thể người.
Quá trình phát triển từ nhiễm HIV thành AIDS có thể trải qua 4 giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1 là Nhiễm HIV cấp (hay còn gọi thời kỳ cửa sổ - thời kỳ chuyển đổi huyết thanh). Người nhiễm HIV hầu như không có biểu hiện gì hoặc chỉ có ít những triệu chứng thông thường giống như cảm cúm, nhưng sau đó các triệu chứng này qua đi một cách tự nhiên, nên ngay bản thân người nhiễm cũng không “để ý” tới. Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng, đôi khi tới 6 tháng. Vào đầu giai đoạn này cơ thể chưa kịp sinh ra kháng thể chống lại HIV (gọi tắt là kháng thể HIV) hoặc lượng kháng thể HIV còn ít nên các xét nghiệm thông thường (tìm kháng thể) không phát hiện được và kết quả trả lời là "âm tính". Do vậy các nhà chuyên môn còn gọi giai đoạn này là “thời kỳ cửa sổ”.
Đây là giai đoạn “nguy hiểm”, bởi không phát hiện được người nhiễm HIV qua các xét nghiệm máu thông thường (tìm kháng thể), mặc dù họ thật sự đã bị nhiễm HIV và họ hoàn toàn có thể "vô tình" truyền bệnh cho người khác mà không hề biết.

- Giai đoạn 2 là nhiễm HIV không có triệu chứng, có thể kéo dài nhiều năm, trung bình là từ 8-10 năm và có thể lâu hơn.
Trong giai đoạn này, sức chống đỡ của cơ thể còn mạnh nên số lượng HIV trong máu còn thấp. Người mang HIV hầu như không có triệu chứng gì thể hiện ra bên ngoài và hoàn toàn khỏe mạnh như người không nhiễm HIV, do vậy họ vẫn sống, làm việc, học tập và sinh hoạt bình thường, tuy nhiên họ có thể làm lây truyền HIV sang người khác.

- Giai đoạn 3 là giai đoạn cận AIDS (hay chuẩn bị chuyển sang AIDS). Người nhiềm HIV ở giai đoạn này có một số các biểu hiện nhiễm trùng cơ hội như nấm miệng hoặc ở hầu họng, ho dai dẳng, sư­ng hạch, nổi mụn rộp…

- Giai đoạn 4 là AIDS, đây chính là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV trong cơ thể, với một số biểu hiện triệu chứng bệnh ra bên ngoài như ỉa chảy kéo dài, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể, ho dai dẳng kéo dài. Giai đoạn này thường kéo dài từ  6 tháng đến 2 năm, nếu không được điều trị bằng thuốc kháng vi rút thì kết thúc bằng tử vong.

Câu 48
Bạn hãy kể các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV/AIDS.
Do HIV làm giảm miễn dịch nên người nhiễm HIV cở các giai đoạn muộn thường mắc nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, như:
- lao; các bệnh nấm;
- hội chứng suy kiệt;
- các loại viêm phổi;
- các bệnh ngoài da;
- các bệnh đường ruột;
- viêm gan A, B và C;
- các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- một số bệnh ung thư.

Câu 49
Bạn hãy mô tả các cấp độ nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục.
1. Cấp độ 1: Quan hệ tình dục không có nguy cơ (gồm ôm hôn, vuốt ve, thủ dâm (dùng riêng dụng cụ trợ dâm).
2. Cấp độ 2: Quan hệ tình dục nguy cơ thấp (hôn sâu, tình dục đường miệng không xuất tinh vào miệng bạn tình, không viêm nhiễm bộ phận sinh dục).
3. Cấp độ 3: Quan hệ tình dục nguy cơ cao: Tình dục đường miệng có xuất tinh hoặc viêm nhiễm bộ phận sinh dục; tình dục đường âm đạo, hậu môn có xuất tinh và không sử dụng bao cao su.

Câu 50
Bạn hãy mô tả các cấp độ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục.
1. Không QHTD: Nếu bạn không QHTD, bạn không thể bị lây nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
2. Thực hiện các hành vi tình dục không xâm nhập nếu không thể kìm chế được ham muốn tình dục: nên áp dụng các hành vi tình dục KHÔNG NGUY CƠ như: tự thủ dâm, vuốt ve mơn trớn cơ thể, hôn khô, kích thích thoả mãn tình dục để tránh QHTD có xâm nhập. Như vậy, bạn có thể giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
3. Nếu QHTD có xâm nhập: Nên thực hiện các hành vi nguy cơ thấp như: QHTD qua đường miệng - dương vật. Nếu tinh dịch của nam giới tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc miệng bị tổn thương khi xuất tinh vào khoang miệng, bạn vẫn có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vì vậy để an toàn hơn nên sử dụng BCS.
4. Nếu QHTD có xâm nhập qua âm đạo-dương vật hoặc hậu môn - dương vật: luôn luôn sử dụng BCS đúng cách từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc quá trình QHTD. Tuy nhiên, nếu BCS không đảm bảo chất lượng hoặc sử dụng không đúng cách vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV. Sử dụng BCS đúng cách có hiệu quả phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua QHTD khác.

Câu 51
Bạn hãy mô tả các cấp độ nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy?
1. Cấp độ 1 : không có nguy cơ (không hoặc sử dụng ma túy không qua tiêm chích) ;
2. Cấp độ 2 : sử dụng ma túy nguy cơ trung bình (tiêm chích ma túy có làm sạch bơm kim tiêm);
3. Cấp độ 3 : sử dụng ma túy nguy cơ cao (dùng chung BKT và dụng cụ tiêm chích ma túy).

Câu 52
Bạn hãy mô tả các cấp độ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy.
1. Ngừng sử dụng ma tuý: nếu bạn có thể ngừng sử dụng ma túy (không sử dụng hoặc đi cai nghiện) sẽ giúp bạn không bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu cũng như các bệnh lý khác liên quan đến sử dụng ma túy.

2. Nếu bạn vẫn sử dụng ma tuý: Nên sử dụng ma túy theo bất cứ hình thức nào trừ tiêm chích, việc này giúp bạn không bị nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu do dùng chung dụng cụ tiêm chích, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy.

3. Nếu bạn tiếp tục tiêm chích: Nên sử dụng BKT sạch (dùng 1 lần hoặc BKT đã được làm sạch đúng cách) và không nên dùng chung dụng cụ tiêm chích, dụng cụ pha thuốc (hũ nấu thuốc, thìa hoặc bông lọc…,).

4. Nếu phải dùng lại dụng cụ tiêm chích: Chỉ dùng lại dụng cụ tiêm chích của riêng mình, việc này sẽ giúp bạn không bị lây nhiễm vi rút như HIV và các bệnh lây qua đường máu khác (trừ khi người khác sử dụng BKT của bạn mà bạn không biết).

5. Nếu bạn bắt buộc phải dùng lại dụng cụ tiêm chích của người khác (được hiểu là dùng chung) thì bạn phải làm sạch các dụng cụ này trước mỗi lần dùng theo công thức đã được khuyến cáo. Lưu ý HIV vẫn có thể lây truyền sau khi BKT được làm sạch, nhưng làm sạch BKT đúng cách sẽ giảm khả năng lây truyền HIV. Và hãy lưu ý thà làm gì còn hơn không làm gì cả.

Câu 53
Bạn hãy cho biết: làm thế nào để biêt tuổi của vết tiêm chích.
 Biểu hiện
Tuổi vết tiêm chích
Đỏ
Mới – trong cùng ngày
Vết đâm kim
24 giờ
Nổi vết đỏ/không chảy máu
48-72 giờ
Đen tím sẫm
2-7 ngày/1 tuần
Xanh
3-5 ngày
Vàng
6-10 ngày
Màu be/cứng
> 2 tuần
Trắng xám/cứng
Vài tháng
Những đường trắng
Thường lẫn với những vết lâu năm

Câu 54
Bạn hãy nêu nguyên nhân gây sốc thuốc quá liều.
1. Dung lượng ma túy sử dụng quá cao so với khả năng dung nạp của cơ thể.
2. Khi dùng ma túy cùng lúc với các chất kích thích khác (dùng heroin với rượu..v..v..)
3. Khi một thời gian rồi dùng lại (do bị bắt đi cai nghiện hoặc đi tù….,)
4. Khi không biết rõ về loại ma túy đang dùng (chất lượng ma túy)
5. Khi pha loại ma túy thường dùng với một loại ma túy khác (pha trộn nhiều loại ma túy với nhau, heroin với thuốc giảm đau…)
6. Khi sút cân cơ thể mệt mỏi, mắc các bệnh nặng...

Câu 55
Các dấu hiệu nhận biết người bị sốc thuốc quá liều?
1. tỉnh nhưng không nói được;
2. da mặt và môi xanh tái;
3. ho nghẹt thở;
4. buồn nôn, nôn;
5. tức ngực, đau ngực.
6. sùi bọt mép.
7. run hoặc co giật.
8. mạch chậm, không đồng hoặc ngừng đập;
9. thở chậm không đều hoặc ngừng thở.
10. bất tỉnh.

Câu 56
Cách dự phòng sốc thuốc?
1. tự pha chế thuốc hoặc hiểu rõ thuốc sắp sử dụng;
2. sử dụng lần đầu với một lượng nhỏ để thử phản ứng của cơ thể;
3. bàn bạc về nguy cơ sốc thuốc với bạn cùng chích;
4. tránh pha trộn heroin với bất kỳ loại thuốc nào khác.
5. tránh tiêm chích một mình để người khác giúp đỡ khi có sự cố.
6. giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, không dùng chất kích thích trước khi dùng ma túy ví dụ như rượu.
7. dùng kim tiêm loại nhỏ để tránh đưa thuốc vào cơ thể quá nhanh.
8. bơm thuốc từ từ.


Nguồn tin: Hanoipac.Vn

0 facebook-blogger:

Post a Comment

 
Toggle Footer